Cộng đồng và cơ sở kinh doanh địa phương chung tay ngăn chặn tiêu thụ động vật hoang dã

Posted on July, 18 2022

Trên 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết “nói không" với việc tham gia tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trong đợt vận động của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ.
Cộng đồng góp sức bảo tồn thiên nhiên

Trong khuôn khổ đợt vận động cộng đồng chung tay ngăn chặn tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được WWF phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, đã có hơn 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 4 tỉnh bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Lâm Đồng ký cam kết “NÓI KHÔNG" với việc sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã trong hoạt động kinh doanh. Tất cả thể hiện tinh thần sẽ đồng hành cùng dự án trong việc thay đổi hành vi vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã.

Nỗ lực nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Việt Nam dù là một trong những quốc gia có hệ đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, tuy nhiên sau nhiều thập kỷ chuyển đổi nông nghiệp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; và đặc biệt là nạn săn bắt, khai thác trái phép động, thực vật hoang dã đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, làm sụt giảm số loài hiện có. Để có thể thúc đẩy quá trình khôi phục các loài quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh thái, việc thay đổi hành vi, nhận thức của cộng đồng là vô cùng thiết yếu.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng tiểu hợp phần Giảm cầu tiêu thụ ĐVHD (thuộc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tổ chức WWF-Việt Nam) cho biết, khảo sát do WWF-Việt Nam thực hiện trong năm 2021 - 2022 cho thấy, các quán ăn, nhà hàng là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thịt động vật hoang dã. Khoảng 50% sản lượng thịt thú rừng bị săn bắt trái phép, giết thịt và đưa đến người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát thông qua kênh nhà hàng. 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này chính từ nhận thức sai lệch và thói quen tiêu dùng của nhiều người. Họ vẫn đang lầm tưởng rằng ĐVHD có thể sử dụng như những loại thuốc bổ đặc biệt tăng cường sức khỏe.” Không chỉ khỉ, vọoc, nai, mèo rừng,... bị săn bắn giết thịt, nhiều loài chim quý hiếm và các loài thú rừng khác cũng bị săn bắt, lấy xương, mỏ để sản xuất sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ, làm quà tặng du lịch, v.v

Ông ​​kỳ vọng, thông qua các hoạt động của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học, người dân, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn hậu quả của hành động vi phạm Quy định về Bảo vệ ĐVHD nguy cấp quý hiếm. Người dân hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống có dịp chia sẻ, trao đổi, củng cố thông tin, kiến thức về các điều khoản, quy định liên quan đến vấn đề này.

Đồng thời đại diện cơ quan chức năng địa phương cũng cam kết sẽ đồng hành và tăng cường sự phối hợp với WWF-Việt Nam, cùng các tổ chức liên quan trong các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ các loài ĐVHD quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết nói không với tiêu thụ động vật hoang dã
© USAID Biodiversity Conservation