© Martin Wilner / Unsplash
Panda Labs Việt Nam

Panda Labs là một chương trình toàn cầu thúc đẩy và hiện thực hoá các sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách nhất, thông qua thử nghiệm cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và kết hợp với công nghệ, hợp tác và tài chính.

Cách tiếp cận

 Những vấn đề phức tạp cũng đưa lại những cơ hội lớn. Chúng tôi sẽ chấp nhận những rủi ro để thử nghiệm những ý tưởng và cách tiếp cận mới, mở rộng hợp tác với các đồng minh để giải quyết vấn đề.

Thử thách Moonshot Việt Nam 2020: Rác Thải Nhựa
© WWF-Viet Nam / Duong Quoc Binh

Năm 2020, Panda Labs Việt Nam cùng với Chương trình Đại dương của WWF-Việt Nam chung tay thực hiện thử thách Moonshot của năm: Rác thải Nhựa. Rác thải nhựa/ quản lý rác thải cần sự chung tay của tất cả mọi người, trong mọi ngành nghề, cấp độ, lĩnh vực, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như cộng đồng và mỗi người dân. Họ chính là những nhân tố tích cực, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, sẽ tham gia vào quá trình thử nghiệm các giải pháp, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác trong khu vực và toàn thế giới.

 

Dự án của chúng tôi

Với mong muốn đạt được mục tiêu không có rác thải nhựa trong tự nhiên vào năm 2030 trên toàn thế giới, WWF đã tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến Giảm Rác thải Nhựa" để tìm ra các mô hình và ý tưởng khả thi nhằm tăng tỷ lệ hiệu quả quản lý, xử lý và tái chế rác thải nhựa và kêu gọi tiết giảm sử dụng các đồ vật nhựa dùng một lần. 

Cuộc thi là một sân chơi chuyên nghiệp, nơi những người trẻ nhiệt huyết thể hiện sự thông minh, tài năng và sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi, trải nghiệm, kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý / xử lý chất thải và quản lý kinh doanh.

Panda Labs - Chương trình Đổi mới của WWF cũng tham gia vào cuộc thi này với vai trò hỗ trợ kỹ thuật. Panda Labs sẽ cung cấp những kỹ năng và kiến thức chuyên môn cho người tham gia với mong muốn thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng trong việc xử lý các vấn đề môi trường.

Bạn có cảm thấy hứng thú không? Vậy còn chờ gì nữa mà không tham gia với chúng tôi? 

Khoá đào tạo “Tư duy Thiết kế” là một hoạt động của Panda Lab Việt Nam dành cho các nhóm và cá nhân muốn tìm hiểu về công cụ, phương pháp tư duy thiết kế và cách áp dụng phương pháp này để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.

Tháng 5 năm 2020, Panda Lab đã tổ chức khóa đào tạo 5 ngày cho 12 sinh viên Đại học Xây dựng để giới thiệu Tư duy Thiết kế - một phương pháp giải quyết vấn đề mới và khuyến khích sinh viên áp dụng kiến ​​thức chuyên môn vào việc tạo ra các mô hình giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Thông qua khóa đào tạo này, các kỹ sư tương lai đã có cơ hội học cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, tìm kiếm thông tin thông qua hoạt động nghiên cứu và phỏng vấn, kết hợp thử nghiệm các mô hình giải pháp khác nhau.
Kết thúc khóa đào tạo, các sinh viên đã tạo ra 3 mô hình: robot thu gom rác và một ứng dụng di động khuyến khích mọi người đổi chai nhựa đã qua sử dụng lấy quà tặng và một thùng rác thông minh xử lý các nắp chai nhựa. Sinh viên hiện đang phát triển các mô hình này để tham gia Cuộc thi “Sáng kiến Giảm Rác thải Nhựa” tại Phú Quốc vào mùa hè năm nay.



Litterati là ứng dụng thúc đẩy các cá nhân và tổ chức tạo ra ảnh hưởng tích cực, có thể đo lường được, đối với môi trường thông qua hoạt động thu gom rác. Với ứng dụng này, bạn có thể tham gia các thử thách thu gom rác toàn cầu cũng như tạo ra những cuộc thi trong cộng đồng của mình cùng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hoặc tại khu dân cư, trường học để làm cho các khu vực đó trở nên sạch đẹp hơn. 

Ứng dụng này cho phép bạn: 

  • Chụp ảnh từng mảnh rác mà bạn thu thập và thải bỏ
  • Litterati sẽ tự động xác định vị trí mỗi ảnh bạn chụp 
  • Công cụ LitterAI sẽ gắn thẻ vào mỗi ảnh để bạn xác nhận hoặc thay đổi thông tin trên ảnh
  • Tải ảnh lên cơ sở dữ liệu Litterati
  • Theo dõi “mức độ ảnh hưởng" của cá nhân bạn hoặc của cộng đồng Litterati. 
Hiện tại, Panda Labs Việt Nam đang hợp tác với nhóm phát triển từ Litterati để tư vấn thiết kế các tính năng mới trên ứng dụng này. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập: https://www.litterati.org/

Hình ảnh hoạt động
© WWF
Bạn muốn hợp tác cùng chúng tôi?



Vui lòng gửi email tới:
Lưu Quỳnh Anh
Điều phối viên chương trình Đổi mới sáng tạo Panda Labs Việt Nam 
E: anh.luuquynh@wwf.org.vn