© Thomas Cristofoletti / WWF-US
Nước ngọt
Nước được ví như dòng máu sự sống của sinh quyển, chi phối sự vận hành của kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, trong tổng lượng nước trên thế giới (bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất), chỉ có 3% là nước ngọt mà con người có thể sử dụng được (Rinkesh, 2016). Khoảng 2/3 lượng nước ngọt trên trái đất tồn tại dưới dạng những khối băng lớn và không thể sử dụng. Ước tính có 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu tiếp cận với nguồn nước ngọt và 2,7 tỷ người bị thiếu nước ít nhất 1 tháng trong 1 năm (WWF). WWF ủng hộ mạnh mẽ việc các hệ sinh thái nước ngọt – bao gồm sông, hồ, đất ngập nước và các mạch nước ngầm – được quản lý bền vững và sử dụng hợp lý để đáp ứng cả mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và nhu cầu phát triển của con người.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân. Nhờ nước, nơi đây đã trở thành khu vực sản xuất nông sản và thủy sản năng suất cao. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những vấn đề dai dẳng về nguồn nước như lũ lụt, xâm nhập mặn, đất phèn hóa, ô nhiễm nguồn nước và hạn hán. Những vấn đề này đe dọa đến nền sản xuất nông nghiệp của khu vực, sinh kế của người dân và làm gia tăng hiểm hoạ đối với các loài động vật và sinh cảnh, được dự báo sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và sự phát triển tại thượng nguồn. Mục tiêu của WWF là đảm bảo nguồn nước và chất lượng nước của hệ thống sông Cửu Long tại  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được duy trì hoặc phục hồi thông qua:

  • Cải thiện quản trị tài nguyên nước tại các hệ thống sông Cửu Long thông qua củng cố các chính sách, luật pháp và mô hình quản trị;
  • Đảm bảo áp dụng các phương pháp quản lý tài nguyên nước/sông và vận động các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực mục tiêu (như dệt may, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản, vân vân…) tham gia xử lý các rủi ro về nguồn nước và cùng phát triển các bộ tiêu chuẩn về kinh doanh/sản xuất;
  • Giảm lượng xả thải ra hệ thống kênh rạch và sông ngòi thông qua (i) thúc đẩy và thí điểm phân loại rác tại các hộ gia đình (ii) thúc đẩy các phương pháp sản xuất (và khai thác) sạch hơn đối với các mặt hàng/ ngành nghề (nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, đánh bắt cá, khai thác cát, v.v.).

© WWF-Viet Nam / Dao Quoc Binh

Các khu bảo tồn là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp bảo tồn các loài động vật và sinh cảnh tự nhiên; đồng thời đóng góp cho sinh kế và phúc lợi của cộng đồng địa phương. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, WWF làm việc chặt chẽ với các khu bảo tồn đất ngập nước để duy trì hoặc phục hồi sinh cảnh vùng nước ngọt và bảo vệ các loài bị đe doạ nghiêm trọng như Sếu đầu đỏ, thông qua:

  • Nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm về quản lý thủy văn và sinh thái của đất ngập nước;
  • Củng cố việc thực thi pháp luật và các quy định về quản lý đất ngập nước;
  • Phục hồi sinh cảnh quan trọng cho các loài đang bị đe doạ nghiêm trọng (như Công đất, Sếu đầu đỏ, chim Giang Sen, Điên điển phương Đông, Rái cá, vân vân…);
  • Đề cử thêm các khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, và Vườn Di sản ASEAN mới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;
  • Hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng ở trong và xung quanh các khu bảo tồn cũng như giúp họ tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất ngập nước.

© Martin Harvey / WWF

Hãy hành động!

Bạn có thể làm gì?