Các tiêu chí thành công cho một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa
Posted on December, 07 2021
Hiện nay, hơn ¾ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã ủng hộ việc xây dựng một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa đại dương cho thấy ngày càng có khả năng cho một quyết định bắt đầu đàm phán chính thức sẽ được đưa ra tại UNEA 5.2 vào tháng 2/2022.
Trong báo cáo “Các tiêu chí thành công cho Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa”, WWF đã làm rõ các bài học quan trọng từ việc phân tích các hiệp ước hiện có và đưa ra một loạt các khuyến nghị để đảm bảo rằng một thỏa thuận toàn cầu mới mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa sẽ có một khởi đầu tốt nhất có thể khi các cuộc đàm phán bắt đầu.Hơn 150 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã chính thức kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa. Sự ủng hộ rộng rãi và ngày càng gia tăng cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán cho một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa đại dương là một tia sáng hy vọng cho động vật biển hoang dã và các cộng đồng cư dân ven biển trên toàn thế giới. Điều đó tạo ra một cơ hội chưa từng có cho cộng đồng quốc tế để thay đổi tình trạng ô nhiễm nhựa.
Nếu được thực hiện đúng, hiệp ước mới có thể thúc đẩy sự thay đổi tích cực toàn cầu, như Nghị định thư Montreal đã đạt được trong việc bảo vệ tầng ôzôn. Hiệp ước mới có thể là công cụ biến tầm nhìn về một đại dương không có nhựa thành một mục tiêu thực tế và có thể đạt được — là hạt nhân trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại vấn đề môi trường cấp bách này.
Bằng cách hành động với sự quả cảm, niềm tin và quyết tâm, các nhà đàm phán cho hiệp ước mới có thể thiết lập một tiêu chuẩn mới cho quản lý môi trường đa phương — một tiêu chuẩn phù hợp để giải quyết các mối đe dọa cấp bách đối với sự bền vững và đa dạng của sự sống trên trái đất.
Để đảm bảo cơ chế quản trị mới về ô nhiễm nhựa có khởi đầu tốt nhất có thể, các nhà đàm phán nên áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng, nghĩa là việc xây dựng hiệp ước mới nên được dẫn dắt bởi việc rà soát, đánh giá và phân tích chặt chẽ về các hiệp ước và cơ chế quản trị hiện có khác, để nắm rõ hơn cách tái lập các thành tựu trong quá khứ và tránh lặp lại những sai lầm đã xảy ra. Dựa trên các bài học được phân tích, 5 khuyến nghị chính do WWF đề ra và tóm tắt từ báo cáo bao gồm:
- Để đảm bảo đạt được các cam kết của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này ở cấp độ chính trị cao nhất có thể, thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa phải có tính ràng buộc pháp lý.
- Các quy tắc, tiêu chuẩn và yêu cầu trong hiệp ước mới phải cụ thể và tương xứng, và phải được áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên. Hiệp ước nên đặt ra một tiêu chuẩn cao và đồng bộ cho hành động.
- Hiệp ước mới phải thiết lập một cơ chế để theo dõi tiến độ và đánh giá các nỗ lực. Cơ chế này cũng nên quy định các thủ tục cho phép chế độ được củng cố dần theo thời gian.
- Hiệp ước mới phải cung cấp một cấu trúc mạnh mẽ để thúc đẩy sự tham gia và tuân thủ cũng như hỗ trợ các quốc gia thực hiện các điều khoản cốt lõi của hiệp ước.
- Hiệp ước mới phải cung cấp một lộ trình đáng tin cậy cho mục tiêu dài hạn là các đại dương không có nhựa. Các nhà đàm phán không nên để mức độ tham vọng tổng thể bị xác định bởi các quốc gia ít quan tâm nhất.