Khuyến nghị chính sách: Mức độ sẵn sàng tham gia thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Posted on November, 18 2021

Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTNMT) triển khai nghiên cứu, khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nhựa về mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm mục đích hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) 2020.
Điều 54 và 55 của Luật BVMT 2020 đã đặt ra các quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đối với một số ngành hàng và bao bì. Để cụ thể hóa các quy định của Luật, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2020 (dự thảo Nghị định) đã được triển khai xây dựng, trong đó bao gồm các nội dung về đối tượng, lộ trình, cách thức triển khai EPR tại Việt Nam.

Trên thực tế, các doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất bao bì và sử dụng bao bì nhựa, đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý môi trường nói chung, trong thực hiện các quy định về EPR nói riêng. Một trong những nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn đầy đủ cũng như sự hiểu biết của doanh nghiệp về cơ chế EPR còn hạn chế. 
 
Với sự phối hợp của WWF-Việt Nam, thông qua Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, và nhằm mục đích hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định, Viện CLCSTNMT đã triển khai nghiên cứu, khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nhựa về mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về EPR. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá được những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, sử dụng bao bì và doanh nghiệp tái chế nhựa trong nước trong bối cảnh chuẩn bị thực thi quy định EPR. Thông qua khảo sát, những vướng mắc, bất cập và các kiến nghị từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nhựa đã được phản ánh và chia sẻ tới các cơ quan chính sách có liên quan. Các giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo mức độ sẵn sàng tham gia EPR của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã được đề xuất, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện các quyđịnh về EPR trong dự thảo Nghị định có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn.

Hội thảo tham vấn do WWF-Việt Nam phối hợp với Viện CLCSTNMT tổ chức ngày 12/8/2021 đã chia sẻ và thảo luận về kết quả khảo sát với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp, đại diện các đơn vị nghiên cứu và tổ chức quốc tế. 

Bên cạnh đó, tóm tắt khuyến nghị chính sách đã được xây dựng và chia sẻ tới ban soạn thảo và các đơn vị ra quyết định phục vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường. 
Rùa Quản Đồng quần đảo Canary bị mắc vào ngư cụ trôi dạt
© Francis Perez