Khóa bồi dưỡng “Báo chí về điều tra tội phạm động vật hoang dã” và ý tưởng thành lập mạng lưới Nhà báo bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam
Posted on December, 29 2021
WWF-Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh ý tưởng thành lập Mạng lưới Nhà báo bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam được đề xuất tại khóa bồi dưỡng “Báo chí điều tra về tội phạm động vật hoang dã” với sự tham gia của gần 70 nhà báo và những người có quan tâm do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí và WWF-Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hà Nội - 28 tháng 12 năm 2021- Năm 2021 là năm bản lề của thập kỷ đa dạng sinh học với sự chung tay của toàn thế giới nhằm đảo chiều những mất mát đa dạng sinh học và hướng tới một thế giới trung hòa các-bon, thiên nhiên được hồi phục và không ai bị bỏ lại phía sau. Tại Việt Nam, chính phủ đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu tại COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh (tháng 11 năm 2021), về đa dạng sinh học tại COP15 tại Trung Quốc (tháng 10 năm 2021), ráo riết chuẩn bị Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học 2021-2030 và tham gia vào Cam kết của các Nhà Lãnh đạo về Thiên nhiên và Con người (tháng 1 năm 2021). Tất cả những cam kết này cần một cách tiếp cận toàn Xã hội - cần sự vào cuộc của chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân, cộng đồng, người dân. Trong bức tranh toàn cảnh này, báo chí sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để thúc đẩy tạo ra những thay đổi cần thiết trong thập kỷ sắp tới. Bằng các tác phẩm điều tra báo chí của mình, các nhà báo có thể là một cánh tay nối dài giúp các cơ quan chức năng xử lý những sai phạm về môi trường, thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách sửa đổi luật pháp, định hướng dư luận qua các tác phẩm báo chí phản ánh hiện thực, hay kể những câu chuyện truyền cảm hứng cho công chúng qua những gương sáng bảo vệ thiên nhiên.
Với nhiệm vụ quan trọng này, ý tưởng về một mạng lưới Nhà báo bảo tồn động vật hoang dã đã được hình thành bởi một nhóm các nhà báo tâm huyết. Mạng lưới sẽ tập hợp các nhà báo và những người làm báo để thực hiện những tác phẩm chuyên sâu về các vấn đề liên quan tới các loài hoang dã và môi trường. Tham gia mạng lưới, các thành viên sẽ được bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi các nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Đặc biệt, mạng lưới sẽ kết nối thành viên với các cơ quan, tổ chức báo chí trong khu vực và thế giới, tạo các cơ hội tác nghiệp xuyên biên giới để có các tác phẩm phản ánh đầy đủ và toàn cảnh về các vấn đề môi trường ở Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống buôn bán các Loài hoang dã của WWF-Việt Nam phát biểu:
“Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều loạt bài điều tra về tội phạm động vật hoang dã, đặc biệt của các nhà báo Dân Việt, đã thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng. Các bài báo này đã giúp các cơ quan chức năng có nhiều thông tin hiện trường đáng tin cậy để kịp thời vào cuộc xử lý hiệu quả các vi phạm theo quy định của pháp luật. Những nỗ lực không ngừng nghỉ và dấn thân của các nhóm phóng viên không chỉ tạo nên những tác động xã hội kể trên mà còn khởi tạo niềm tin cho công chúng về vai trò của chính họ, và là động lực cho những tổ chức bảo tồn chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, mạng lưới khi ra đời sẽ phát huy được sức mạnh này, lan truyền nhiệt huyết để cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra phong trào xã hội bảo vệ thiên nhiên và các loài hoang dã - điều kiện tiên quyết đối với sự sống còn, thịnh vượng của thiên nhiên, của chính chúng ta và các thế hệ mai sau.”
Trích dẫn của PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí:
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, vị trí, vai trò của báo chí tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước. Trong đó có việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường bằng các tuyến bài điều tra phanh phui những góc khất về bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, động vật hoang dã. Tôi tin tưởng rằng, khóa đào tạo nghiệp vụ “Báo chí điều tra tội phạm về động vật hoang dã” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam sẽ cung cấp thêm những kỹ năng, kiến thức đặc trưng về đề tài này.
Khoá tập huấn, diễn ra trong hai ngày 23-24/12, là dịp để các nhà báo cùng bàn thảo với nhau về quy chế hoạt động của mạng lưới cũng như cách thức vận hành sau này. Hy vọng rằng, các học viên sẽ trở thành những thành viên nòng cốt đầu tiên của Mạng lưới sau khi được thành lập.