Việt Nam đảm nhận vai trò đồng tổ chức đối thoại cấp cao về ô nhiễm nhựa: từ cam kết thành hành động
Posted on April, 02 2021
Việt Nam chính thức trở thành một trong bốn quốc gia – cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana – đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về Rác thải Đại dương và Ô nhiễm Nhựa vào Quý III năm 2021.
WWF chúc mừng Việt Nam chính thức trở thành một trong các quốc gia đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về Rác thải Đại dương và Ô nhiễm Nhựa – cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana – dự kiến diễn ra vào quý III năm nay. Công bố này đánh dấu sự vươn mình của Việt Nam lên vị trí tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết ô nhiễm nhựa. Việt Nam chính thức trở thành một trong bốn quốc gia – cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana – đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về Rác thải Đại dương và Ô nhiễm Nhựa vào Quý III năm 2021. Hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các đối thoại cấp cao về một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm liên kết và nâng tầm các nỗ lực và hành động cấp quốc gia cũng như cấp vùng theo một khuôn khổ và chiến lược nhất quán toàn cầu, trước thềm cuộc họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) vào tháng 2 năm 2022.
Công bố này được chia sẻ tại phiên thảo luận cấp cao với sự điều phối của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 31/03/2021, tiếp theo các cam kết ban đầu của CHLB Đức, Ecuador và Ghana tại phiên thứ năm của UNEA vào tháng 02 vừa qua (UNEA-5-1).
“Với vai trò đồng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Rác thải Đại dương và Ô nhiễm Nhựa cùng với ba quốc gia khác, Việt Nam một lần nữa hiện thực hóa các cam kết của mình, vươn lên vị trí tiên phong tại châu Á Thái Bình Dương trong việc xây dựng hiệp ước toàn cầu để ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương”, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia, WWF-Việt Nam, cho biết.
“Những thách thức cục bộ, đặc trưng ở khu vực Đông Nam Á, và – ở quy mô lớn hơn – châu Á Thái Bình Dương, trong vấn đề ô nhiễm nhựa chỉ có thể được giải quyết hiệu quả bằng cả nỗ lực toàn cầu cũng như tăng cường các biện pháp của từng quốc gia, thông qua các cơ chế hợp tác tài chính và kỹ thuật. WWF hoan nghênh Việt Nam đã đảm nhận vai trò đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng, đại diện cho một tiếng nói tích cực từ khu vực trong việc kêu gọi xây dựng hiệp ước toàn cầu với các mục tiêu tham vọng và hành động mạnh mẽ.”
Trong 3 năm qua, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế biển hài hòa với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển với các mục tiêu cụ thể tới 2030, trong đó bao gồm “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Hơn 2 triệu người trên khắp thế giới đã tham gia ký một kiến nghị yêu cầu có một hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.