BÁO CÁO WWF: CÁC NGÂN HÀNG TẠI KHU VỰC ASEAN, NHẬT BẢN VÀ HÀN QUỐC CẦN ĐẨY MẠNH NỖ LỰC VỀ MÔI TRƯỜNG, XÃ HỘI VÀ QUẢN TRỊ NHẰM CẢI THIỆN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Posted on December, 03 2020

Đánh giá lần 4 về kết quả tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động của các ngân hàng cho thấy có dấu hiệu tiến bộ, tuy nhiên, các ngân hàng tại khu vực ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc cần đẩy mạnh tham vọng hơn nữa để phù hợp với những thay đổi trên toàn cầu.
Báo cáo Đánh giá Ngành Ngân hàng Bền vững (“SUSBA”) năm 2020 của WWF, bao gồm 05 ngân hàng Nhật Bản và 05 ngân hàng Hàn Quốc cùng với 38 ngân hàng của ASEAN, cho thấy các ngân hàng được đánh giá đã có những tiến bộ trong việc tích hợp khía cạnh về môi trường và xã hội vào các hoạt động đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề lớn khiến các danh mục đầu tư của các ngân hàng này có thể gặp rủi ro từ biến đổi khí hậu và tổn thất môi trường thiên nhiên. Đánh giá xem xét 06 khía cạnh về tích hợp tổng thể các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị - ESG (Mục đích, Chính sách, Quy trình, Con người, Sản phẩm, Danh mục) trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, đánh giá năm nay bao gồm một chuyên mục mới – Ngành & Vấn đề - trong đó xem xét các chính sách ngành. 

SUSBA 2020 là lần đánh giá thứ tư của WWF, trong đó cho thấy mức tiến bộ vượt bậc, với hơn 75% các ngân hàng trong khối ASEAN có tiến bộ, và gần 30% cải thiện trên ít nhất 10% số tiêu chí đánh giá kể từ 2019. Mặc dù số ngân hàng ASEAN đáp ứng ít nhất một nửa trong tổng số 70 tiêu chí đã tăng gấp đôi, từ 4 lên 8 ngân hàng, nhưng con số này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Có 45% ngân hàng đáp ứng dưới ¼ tiêu chí, so với 51% vào năm ngoái. Các ngân hàng Hàn Quốc đạt cùng mức điểm trung bình với nhóm ASEAN, trong khi các ngân hàng Nhật Bản có kết quả cao hơn mức trung bình này.

Phó Chủ tịch cấp cao, chương trình Tài chính Bền vững châu Á của WWF, Tiến sĩ Keith Lee cho biết, “Ngoài các ngân hàng tại ASEAN, đánh giá năm nay còn khảo sát các ngân hàng lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong đầu tư doanh nghiệp, không chỉ ở sân nhà mà còn ở cả khu vực Đông Nam Á. Tính phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế châu Á đòi hỏi một cách tiếp cận hài hòa trong đầu tư phát triển bền vững, theo đó tất cả các ngân hàng đều đóng góp vào sự phát triển bền vững và chúng tôi hy vọng có thể thúc đẩy phần nào cách tiếp cận này thông qua việc đưa các ngân hàng này vào đánh giá SUSBA năm nay.”
Đánh giá chỉ ra các kết quả chính đối với các nhóm ngân hàng khối ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc như sau:
 
  • Tất cả 5 ngân hàng Nhật Bản và 60% ngân hàng Hàn Quốc đều có chiến lược quản lý rủi ro về khí hậu và được xem là tổ chức ủng hộ TCFD; 24% ngân hàng khối ASEAN có chiến lược khí hậu - gấp bốn lần so với năm 2019, điều này cho thấy đã có sự tiến bộ mặc dù các ngân hàng khối ASEAN vẫn tụt lại phía sau.
  • 34% ngân hàng khối ASEAN thừa nhận rủi ro về chặt phá rừng và mất đa dạng sinh học, chỉ tăng thêm 3 ngân hàng so với năm ngoái. Mặc dù cả 5 ngân hàng Nhật Bản đều thừa nhận rủi ro chặt phá rừng, nhưng không có ngân hàng nào đưa ra các cam kết tương tự nhằm xóa bỏ nạn phá rừng trong danh mục đầu tư của mình.
  • Chỉ 21% ngân hàng khối ASEAN và 20% ngân hàng Hàn Quốc thừa nhận rủi ro về ô nhiễm nguồn nước. Một ngân hàng Nhật Bản và một số ngân hàng khối ASEAN công nhận ô nhiễm nước là một nguy cơ, tuy nhiên lại bỏ qua các mối đe dọa về khan hiếm nước hoặc lũ lụt. Không ngân hàng nào yêu cầu khách hàng phải tiến hành đánh giá rủi ro nước hoặc thực hành quản lý nước. Tuy nhiên, rủi ro về nước có thể lên tới mức trọng yếu với các doanh nghiệp, với giá trị rủi ro lên tới USD 425 tỷ trên toàn cầu.
  • Phân tích Ngành & Vấn đề cho thấy các ngân hàng Hàn Quốc và Nhật Bản đang thực hiện các bước để giảm tài trợ về than. Ngân hàng Shinhan và 5 ngân hàng Nhật Bản có chính sách cấm tài trợ cho các dự án nhà máy nhiệt điện than, mặc dù các chính sách này vẫn có ngoại lệ đối với một số loại công nghệ hoặc thu giữ các-bon. MUFG, Mizuho và SMBC cũng đã công bố các mốc thời gian để chấm dứt tài trợ về than. Tuy nhiên, 91% các ngân hàng khối ASEAN được đánh giá tiếp tục tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới. DBS, OCBC và UOB là các ngân hàng khối ASEAN duy nhất cấm cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than mới trong khi CIMB đã công bố ý định ban hành chính sách than vào cuối năm 2020. Việc tiếp tục đầu tư cho than khiến các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro chuyển đổi liên quan đến khí hậu, như thuế các-bon và công nghệ lỗi thời.
  • Đáng khích lệ là 53% ngân hàng khối ASEAN hiện đang làm việc với các cơ quan quản lý về chủ đề đầu tư phát triển bền vững - tăng cao so với mức 31% vào năm ngoái.
  • So với các ngân hàng khối ASEAN, các ngân hàng Việt Nam còn cần phải cải thiện hơn nữa trong việc công bố các chính sách, bao gồm các chính sách ngành, đào tạo nhân lực ngành, và việc tích hợp ESG trong các sản phẩm và dịch vụ. Điều này cũng đúng đối với các ngân hàng trong khối ASEAN. 

WWF-Việt Nam hợp tác với ngành ngân hàng và các công ty tài chính lớn nhằm thúc đẩy thực hành tài chính bền vững tại Việt Nam. Thông qua chương trình này, WWF-Việt Nam đã đào tạo cho hơn 500 cán bộ ngân hàng trong ngành và tổ chức các cuộc hội thảo song phương về các vấn đề ESG. Tại Việt Nam, WWF đánh giá 5 ngân hàng dựa theo tiêu chí của SUSPA. Các đánh giá này được thực hiện nhằm giúp các ngân hàng hiểu được làm thế nào họ có thể cải thiện tích hợp các yếu tố ESG trong hoạt động của mình. 
 
Tiến sỹ Lee cho biết “Nhiều ngân hàng có tiến triển tốt trong năm nay. Duy trì tiến độ này đến năm 2021 sẽ là một thách thức nhưng lại rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Ngân hàng có vai trò quan trọng trong cuộc chơi; bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, họ còn đóng vai trò quan trọng trong điều hướng các trường hợp khẩn cấp về khí hậu và thiên nhiên. Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy rằng xã phải đối mặt với rủi ro về thiên nhiên nhiều hơn bao giờ hết, nhưng với những hành động khắc phục đúng đắn, chúng ta có thể vươn lên mạnh mẽ và kiên cường hơn.”
Đánh giá Ngân hàng Bền vững năm 2020 (SUSBA) của WWF
© WWF