Phát động chiến dịch truyền thông đưa Việt Nam khỏi chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp toàn cầu
Posted on February, 13 2025
Nhằm góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ ngà voi, CITES Việt Nam phối hợp cùng WWF-Việt Nam phát động chiến dịch truyền thông nhấn mạnh tính phi pháp của hành vi mua bán các sản phẩm từ ngà voi với khách du lịch quốc tế.
[Ngày 13 tháng 2 năm 2025, Hà Nội] - Nhằm góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ ngà voi, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp cùng WWF-Việt Nam phát động chiến dịch truyền thông nhấn mạnh tính phi pháp của hành vi mua bán các sản phẩm từ ngà voi với khách du lịch quốc tế. Theo báo cáo của Hệ thống thông tin về buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi (ETIS) từ năm 2018, Việt Nam là quốc gia có tổng khối lượng ngà voi bị bắt giữ lớn nhất thế giới và được coi là điểm nóng trung chuyển ngà voi toàn cầu. Nhu cầu mua các sản phẩm ngà voi tiếp tục là nguyên nhân chính thúc đẩy nạn tàn sát voi tại châu Phi. Từ năm 2008 - 2018, mỗi năm có ít nhất 20.000 cá thể voi châu Phi bị giết để lấy ngà (WWF). Với số lượng chỉ còn khoảng 415.000 cá thể (IUCN, 2016), một số quần thể voi châu Phi sẽ sớm bị đẩy đến tuyệt chủng nếu nhu cầu sử dụng ngà voi không thay đổi.
Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc là điểm đến của 90% tổng khối lượng ngà voi châu Phi bị bắt giữ trên toàn cầu (UNODC, 2020). Trong đó, Việt Nam được đánh giá là điểm trung chuyển nổi cộm nhất trong chuỗi cung ứng, chiếm 34% tổng khối lượng ngà voi nhập cảng bị phát hiện (ETIS, 2022) và có vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi lớn nhất thế giới vào năm 2019 (EIA, 2019). Những lô hàng ngà voi chế tác tại Việt Nam sau đó sẽ tiếp tục được chuyển tới những quốc gia tiêu thụ chính như Trung Quốc và Hoa Kỳ (ETIS, 2022), một số sản phẩm sẽ bị buôn bán trong nước qua nhiều hình thức tới người tiêu thụ nội địa và du khách nước ngoài (TRAFFIC, 2018), bao gồm hình thức buôn bán qua mạng (TRAFFIC, 2024).
Nhiều du khách có kiến thức pháp lý sai lệch khi cho rằng việc mua ngà voi tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp. Với khả năng trực tiếp tác động lên hành vi của du khách, các doanh nghiệp du lịch mang trách nhiệm điều hướng và cung cấp kiến thức để du khách tránh khỏi những hành vi phạm pháp và có hại cho thiên nhiên trong chuyến đi của mình. Trong khuôn khổ dự án Giảm cầu ngà voi được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), WWF-Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Du lịch Quốc gia và CITES Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch vì thiên nhiên. Những hoạt động này chủ yếu hướng đến doanh nghiệp, bao gồm tổ chức những lớp tập huấn về quy định CITES và thực hành du lịch có trách nhiệm; các buổi tọa đàm chia sẻ kiến thức và ký cam kết thực hành du lịch có trách nhiệm với doanh nghiệp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, trước xu hướng du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, những phương pháp truyền thông có độ phủ rộng hơn cần được áp dụng để dễ dàng tiếp cận nhóm du khách quốc tế và ngăn chặn hành vi mua bán các sản phẩm từ ngà voi tại Việt Nam.
Nhằm chấm dứt nhu cầu mua các sản phẩm từ ngà voi của du khách quốc tế tại Việt Nam, WWF-Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, với nguồn tài trợ từ WWF-Hoa Kỳ, thực hiện chiến dịch truyền thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đã Nẵng. Thông qua phối hợp sáng tạo cùng Ogilvy Group Việt Nam, các hình ảnh và thông điệp chiến dịch nhấn mạnh vào tính phi pháp của việc sử dụng và buôn bán ngà voi. Thông điệp của chiến dịch sẽ được truyền tải qua các màn hình ngoài trời tại các sân bay quốc tế và các điểm thu hút du khách nước ngoài từ Tháng 1 đến Tháng 2 năm 2025. Bên cạnh đó, thông điệp của chiến dịch cũng sẽ được lan tỏa rộng hơn thông qua những kênh mạng xã hội của WWF-Việt Nam.
Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, phát biểu chào mừng sự kiện: “Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, loài thú này cũng được đưa vào Nhóm I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhưng điều này cũng phản ánh một thực trạng: voi là một trong những loài động vật bị săn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu.
Việt Nam là một trong số các quốc gia tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến các loài quý, hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê... Năm 2023 và năm 2024, các lực lượng chức năm đã bắt giữ hàng chục tấn ngà voi nhập khẩu trái pháp luật vào Việt Nam, các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia trược khi bị bắt giữ.”
Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam phát biểu tại sự kiện: “Hôm nay, chúng ta tập hợp tại đây với một sứ mệnh cao cả – bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ chính chúng ta. Nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của loài voi, một biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ. Khi nói tới vấn đề buôn bán ngà voi, chúng ta không chỉ đang nói về một vấn đề môi trường mà còn là một vấn đề văn hóa và đạo đức. Chiến dịch truyền thông “phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam” không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc buôn bán ngà voi trái phép mà còn kêu gọi mọi người tham gia vào nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã. Chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông, các buổi hội thảo và sự kiện cộng đồng để cung cấp kiến thức, cảnh báo về những hệ lụy của việc sử dụng ngà voi, cũng như khuyến khích hành động của cộng đồng trong việc bảo vệ loài voi.”
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện: “Ngành du lịch Việt Nam không chỉ hướng đến sự phát triển về mặt kinh tế mà còn đặt trọng tâm vào trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam là điểm đến du lịch nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, vẫn đang là một vấn đề đáng lo ngại.
Theo báo cáo của các tổ chức bảo tồn, Việt Nam là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp trên thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, trong đó nâng cao nhận thức của khách du lịch và cộng đồng làm du lịch là một biện pháp thiết thực và hiệu quả.”