Quan điểm của WWF-Việt Nam về Kinh tế Tuần hoàn

Posted on 17 November 2023

Dưới góc độ bảo tồn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội mà qua đó WWF có thể thực hiện sứ mệnh: “Xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên”. Theo đó, WWF-Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn: mô hình mới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Kinh tế tuyến tính với đặc tính “Khai thác - Sản xuất - Thải loại", đã dẫn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên vượt quá giới hạn bền vững hành tinh. Việc tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tuyến tính chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột lợi ích do  nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái các hệ sinh thái toàn cầu, đánh mất các cơ hội kinh tế tiềm năng, đe dọa tới hạnh phúc và bình yên trên Trái đất.
 
Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tạo ra chu trình tái sinh tự nhiên. Mô hình này đưa các nguồn tài nguyên lưu thông tuần hoàn bên trong nền kinh tế, biến chất thải đầu ra thành đầu vào có giá trị. Nền kinh tế tuần hoàn được đặc trưng bởi việc chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, tái sản xuất, sửa chữa và tái chế. Những đặc điểm này của kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại các cơ hội kinh doanh mới, tạo ra việc làm và thu nhập, hướng tới một tương lai bền vững nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên.
 
Kinh tế tuần hoàn hướng tới lối sống bền vững trong giới hạn của hành tinh
 
Dưới góc độ bảo tồn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội mà qua đó WWF có thể thực hiện sứ mệnh: “Xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên”.
 
Nền kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng:
  • Một nền kinh tế hoạt động trong giới hạn bền vững của hành tinh, đồng thời đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)
  • Một nền kinh tế chuyển đổi, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0
  • Một nền kinh tế hạn chế tối đa nhu cầu khai thác thiên nhiên tài nguyên mới
  • Một môi trường trong sạch hơn nhờ loại bỏ ô nhiễm và chất thải
  • Một chủ điểm để toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước và các ngành kinh tế gắn kết và làm việc với nhau hướng tới sự chuyển đổi bền vững
WWF-Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
 
Trong Chương trình Rừng, WWF nỗ lực thay đổi diện mạo ngành lâm nghiệp bằng cách thúc đẩy các phương thức quản lý rừng bền vững và chứng nhận rừng trồng bền vững. WWF khuyến nghị phát triển rừng trồng với chu kỳ dài và kết nối các chuỗi cung ứng không gây mất rừng. Đối với rừng tự nhiên, WWF hợp tác với chương trình “Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+) và phục hồi cảnh quan rừng để khôi phục các diện tích rừng bị phá và suy thoái. WWF cũng mong muốn tăng độ che phủ rừng để duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là rừng đầu nguồn của các lưu vực sông. Ngoài ra, WWF đang tích cực phát triển các giải pháp dựa vào thiên nhiên để nâng cao “sức đề kháng” và khả năng điều tiết của rừng, nhằm tăng khả năng tích tụ và lưu trữ carbon, góp phần vào cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
 
Trong Chương trình Thực phẩm bền vững, WWF hỗ trợ các công ty và hộ sản xuất nhỏ giảm thiểu “dấu chân sinh thái” thông qua việc áp dụng các kỹ thuật tuần hoàn sinh học và thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản; sản xuất tôm, gạo và dừa; cũng như các sản phẩm phụ và chất thải của những hoạt động này. WWF cũng nỗ lực phục hồi chức năng của các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển bằng cách phát triển và thiết lập các giải pháp sản xuất dựa vào thiên nhiên tại vùng đệm xung quanh các hệ sinh thái này.
 
Trong Chương trình Biển, WWF thúc đẩy mô hình tuần hoàn cho vật liệu nhựa thông qua các biện pháp can thiệp trong nhiều lĩnh vực, như phát triển chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; đánh giá lại vật liệu nhựa; các chương trình khuyến khích tài chính thông qua thu gom, tái sử dụng, tái chế rác nhựa, thiết kế mô hình tuần hoàn và thí điểm dùng phân bón sinh học làm từ chất thải hữu cơ. WWF nỗ lực giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa bằng cách thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm và lối sống bền vững.
 
Trong Chương trình Nước ngọt, chương trình “Xanh hóa ngành dệt may” thúc đẩy đầu tư xanh vào các mô hình tuần hoàn nước, năng lượng tái tạo và vật liệu dệt may tái chế tại các nhà máy.
 
Chương trình Động vật hoang dã thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái bền vững tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương, giảm thiểu các mối đe dọa với động vật hoang dã và môi trường sống của chúng. WWF tiến hành các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.
 
Chương trình Khí hậu & Năng lượng khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng và địa phương thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và  phát triển năng lượng tái tạo, đi đầu và tham gia tích cực vào cam kết quốc gia về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
 
Kêu gọi hành động thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình hoàn thiện “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”. WWF hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu quốc gia về  giảm thiểu, tái chế, phục hồi  và tái sử dụng được đề ra  trong Kế hoạch hành động.
 
Tất cả bên liên quan cần thay đổi tư duy phát triển  kinh tế,  thúc đẩy các giải pháp đổi mới nhằm đảm bảo sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế tuần hoàn.
 
WWF khuyến khích tất cả bên liên quan hành động hướng tới nền kinh tế tuần hoàn:
  1. Các nhà hoạch định chính sách thiết lập khung pháp lý chặt chẽ để tạo điều kiện cho nền kinh tế tuần hoàn; yêu cầu thiết kế, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm xanh; quản lý và xây dựng mô hình tuần hoàn chất thải; củng cố thị trường nguyên liệu thô thứ cấp; nâng cao vai trò trách nhiệm giải trình và báo cáo của doanh nghiệp.
  2. Doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ tuần hoàn từ các  công nghệ, cơ sở hạ tầng vật liệu có sẵn hoặc phát minh mới, có thể áp dụng trên quy mô lớn, và  đồng thời triển khai với nhiều đối tác.
  3. Người tiêu dùng Thay đổi tư duy và thói quen mua hàng, hạn chế tiêu dùng và hướng tới sử dụng các sản phẩm có tính tuần hoàn; các sản phẩm có tuổi thọ cao;  ủng hộ các mô hình tái chế, tái sử dụng lối sống bền vững.
Các thành viên WWF-Việt Nam tham gia diễn đàn và quầy triển lãm của WWF tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023.
© WWF-Việt Nam
Ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam - phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023.
© WWF-Việt Nam / Phạm Mai
Các đại biểu đến tham quan gian hàng của WWF-Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023.
© WWF-Việt Nam