Bộ TN&MT đánh giá cao những đóng góp của WWF cho COP26 và hành trình hiện thực hoá cam kết Net Zero của Việt Nam
Posted on November, 10 2021
Sau một loạt các sự kiện bên lề trong tuần lễ đầu tiên của Hội nghị các Bên Tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26), Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã đánh giá cao vai trò của WWF trong công tác hỗ trợ Bộ tổ chức các sự kiện đa phương và song phương thuộc khuôn khổ COP26, góp phần thúc đẩy hành trình hiện thực hoá cam kết phát thải cân bằng - Net Zero mà TTCP Phạm Minh Chính đã tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu.
WWF cũng đang xây dựng một khung chiến lược nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam hiện thực hoá cam kết phát thải cân bằng – Net Zero vào năm 2050. Cam kết ấn tượng này của TTCP Phạm Minh Chính đã và đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các quốc gia trên thế giới, đối tác phát triển và các bên liên quan khác. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ TN&MT và WWF, hướng tới các mục tiêu tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời củng cố khung chính sách và năng lực triển khai của chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc giải quyết các thách thức xã hội và những tác nhân đang trực tiếp gây ra suy thoái dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Cụ thể đối với COP26, WWF-Việt Nam hỗ trợ Bộ TN&MT tổ chức bảy sự kiện diễn ra xuyên suốt COP26, cả trước và sau thềm hội nghị. Sự kiện bên lề COP26 đầu tiên do WWF và Bộ TN&MT đồng tổ chức diễn ra vào ngày 1/11 với chủ đề: “Tăng cường Khả năng Thích ứng Dựa vào Thiên nhiên tại Khu vực Châu Á”. Đại diện của Bộ TN&MT, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (DCC) đã nhấn mạnh sự ưu tiên của chính phủ Việt Nam dành cho việc áp dụng và nhân rộng các Giải pháp Dựa vào Thiên nhiên (GPDVTN), chìa khoá giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Với tiềm năng rất lớn trong việc hỗ trợ cắt giảm khí thải nhà kính, các GPDVTN đóng vai trò quan trọng góp phần vào hiện thực hoá mục tiêu phát thải cân bằng - Net Zero của quốc gia. Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng kêu gọi Trung tâm Thích ứng Toàn cầu, WWF và các đối tác phát triển khác đẩy mạnh hợp tác và đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác thí điểm và nhân rộng các mô hình GPDVTN ở Việt Nam.
Sự kiện bên lề tiếp theo diễn ra vào ngày 4/11, tập trung vào xác định các thách thức trong bối cảnh mới của cam kết Net Zero và thảo luận chủ đề: “Việt Nam có thể đạt được Phát thải Cân bằng - Net Zero vào năm 2050 bằng cách nào”. Kết luận được đưa ra rằng hiện vẫn đang tồn tại khoảng trống lớn về ngân sách cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Sự thiếu hụt này đang tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy rẫy khó khăn và thách thức. Sự kiện có sự tham gia chia sẻ của PGT.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu cùng các diễn giả khác từ Việt Nam, Myanmar và Đan Mạch.
Trong những ngày tiếp theo của COP26, Bộ TN&MT và WWF sẽ tiếp tục đồng tổ chức các sự kiện còn lại theo kế hoạch, trong đó có hội thảo dự kiến “Chia sẻ kết quả tham gia COP26 và Kế hoạch hành động của Việt Nam”.
Theo cam kết, sau COP26, WWF-Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc huy động vốn và xây dựng các dự án GPDVTN nhằm giúp Việt Nam đạt được các cam kết và mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.