GIỜ TRÁI ĐẤT 2025: CHUYỂN DỊCH XANH - TƯƠNG LAI XANH

Posted on March, 21 2025

Giờ Trái đất Việt Nam 2025, WWF cùng với Bộ Công thương (MOIT) đưa ra lời kêu gọi “Chuyển dịch Xanh - Tương lai Xanh” đến toàn xã hội, bao gồm cộng đồng và các doanh nghiệp cùng hành động vì một tương lai bền vững của Việt Nam.
GIỜ TRÁI ĐẤT TRÊN THẾ GIỚI

Vào 20h30 ngày 22 tháng 3 năm 2025, Giờ Trái đất lần thứ 19, phong trào hành động vì biến đổi khí hậu (BĐKH) lớn nhất toàn cầu sẽ trở lại. Với khẩu hiệu “Tắt đèn! Dành trọn vẹn một giờ cho Trái đất.”, GTĐ 2025 kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới, từ cá nhân, đến các đoàn thể, doanh nghiệp và chính phủ cùng nhau hành động vì hành tinh thân yêu của chúng ta. 

Trong bối cảnh BĐKH đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của con người, chúng ta cần đoàn kết lại trong một tầm nhìn hướng đến tương lai mà con người và thiên nhiên có thể chung sống hài hòa. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, đoàn thể đều có cách riêng của mình để “chăm sóc” cho Trái đất, làm những việc hữu ích để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Bà Kirsten Schuijt - Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) - chia sẻ: “Giờ Trái Đất là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự cấp thiết phải hành động khi chúng ta vẫn còn có thể. Không chỉ là Tắt đèn; mà là bắt đầu một sự thay đổi trên toàn thế giới. Sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh thúc đẩy thay đổi và truyền cảm hứng về một tương lai bền vững cho con người và Thiên nhiên”.

BỐI CẢNH VIỆT NAM

Việt Nam nằm trong số những quốc gia có nguy cơ cao phải hứng chịu các thảm họa liên quan đến khí hậu, xếp thứ 13 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn từ năm 2000 - 2019. Các lĩnh vực quan trọng đối với Việt Nam được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương nhất bao gồm nông nghiệp và an ninh lương thực, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, nguồn nước, sức khỏe cộng đồng, nhà ở và cơ sở hạ tầng kỹ thuật,… Tính toán của Ngân hàng thế giới cho thấy giai đoạn 2021-2022 Việt Nam đã thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Và các mô hình dự báo cũng chỉ ra, tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu có thể chiếm 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. 

Với phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) thông qua một loạt các chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, bền vững trong hệ thống kinh tế, xã hội. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 khẳng định tầm nhìn và sự quyết tâm của Việt Nam trong hành trình giảm phát thải khí nhà kính toàn diện, với tổng mức giảm phát thải không điều kiện và có điều kiện đến năm 2030 lần lượt là 15,8% và 43,5% so với kịch bản phát thải thông thường. 

GIỜ TRÁI ĐẤT VIỆT NAM

Năm 2025 dự kiến sẽ là một dấu mốc quan trọng khi các quốc gia thành viên của Thỏa thuận Paris được kỳ vọng sẽ cập nhật NDC lần 3 với nhiều mục tiêu khí hậu mạnh mẽ, tham vọng hơn nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC. Điển hình có thể kể đến một loạt những quyết định liên quan đến kiểm kê và lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình đến năm 2030, khuyến khích năng lượng tái tạo, xây dựng thị trường các-bon Việt Nam và thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Hưởng ứng tinh thần đó, WWF-Việt Nam giới thiệu Gợi ý Chuyển dịch Xanh - Tương lai Xanh, cung cấp những gợi ý thiết thực giúp cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Hãy tham khảo và hành động ngay hôm nay - bởi mỗi hành động, dù nhỏ, đều góp phần quyết định tương lai bền vững của tất cả chúng ta!
Giờ Trái đất 2025: Chuyển dịch Xanh - Tương lai Xanh
© WWF-Việt Nam