COP28 - WWF: Trái đất có thể phục hồi khi các quốc gia đồng thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch

Posted on December, 18 2023

COP28 Dubai ngày 13/12/2023 - Các quốc gia tham gia COP28 đồng thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, dù chưa cam kết loại bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng này.
Ông Manuel Pulgar-Vidal - Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng toàn cầu của WWF kiêm Chủ tịch COP20 - chia sẻ: “Trái đất đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vẫn có thể phục hồi, khi các quốc gia đồng thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Dù chưa đạt được đồng thuận hoàn toàn về việc loại bỏ than, dầu và khí đốt, quyết định chuyển đổi này vẫn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Sau ba thập kỷ đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, các quốc gia cuối cùng đã chú ý đến các nguồn năng lượng hóa thạch, nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu. Kết quả này là tín hiệu khởi đầu cho hồi kết của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. 

Đáng tiếc là kết quả của hội nghị lại đề cập đến vai trò của các biện pháp hỗ trợ tạm thời và đầy rủi ro như thu hồi và lưu trữ carbon ở quy mô lớn hay “các nhiên liệu cầu nối”. Để bảo vệ hành tinh này, chúng ta vẫn cần loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu đó.

Đánh giá Toàn cầu cho thấy, tám năm kể từ Thỏa thuận Paris, chúng ta vẫn còn cách rất xa mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1.5 độ C và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong thập kỷ quan trọng này, tất cả quốc gia phải nâng cao tham vọng và tăng cường triển khai các hành động vì khí hậu. Quan trọng hơn, các quốc gia cần ngay lập tức chuyển đổi hệ thống năng lượng ở quy mô lớn, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý hơn, như năng lượng gió và mặt trời”.

Stephen Cornelius - Phó giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng Toàn cầu của WWF - cho biết: “Tài chính đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu. Quyết định vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại là một bước tiến quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh các cam kết được đưa ra tại COP28, thế nhưng so với những nỗ lực cần thiết thì đó mới chỉ như muối bỏ bể. Các nguồn viện trợ phải tăng lên theo cấp số nhân mới có thể hỗ trợ thỏa đáng cho các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính khắc phục các tổn thất và thiệt hại cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tăng nhanh nếu các quốc gia không nỗ lực hơn nữa để cắt giảm khí thải và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch”.

Fernanda Carvalho - Giám đốc Chính sách Chương trình Khí hậu và Năng lượng Toàn cầu của WWF - chia sẻ: “Bên cạnh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, thiên nhiên là yếu tố không thể thiếu để triển khai hiệu quả các hành động khí hậu. Thật thất vọng khi các quốc gia không đưa khuyến nghị bảo vệ 30-50% các hệ sinh thái của IPCC vào kế hoạch hành động. Đây là thời điểm các quốc gia cần cam kết giải quyết song song tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thiên nhiên. Phục hồi thiên nhiên và chuyển đổi hệ thống thực phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm phát thải và xây dựng năng lực chống chịu với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặc dù các quốc gia đã một lần nữa công nhận vai trò quan trọng của các giải pháp dựa vào thiên nhiên, đặc biệt là sau khi thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal vào thời điểm này năm trước, chúng ta vẫn chưa được chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các hành động kết hợp giữa ứng phó với khí hậu và phục hồi thiên nhiên”.
 
WWF khẳng định các quốc gia cần ngay lập tức chuyển đổi hệ thống năng lượng ở quy mô lớn, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý hơn, như năng lượng gió và mặt trời.
© McDonald Mirabile / WWF-US