Hoa Kỳ và Viet Nam: chung sức vì khí hậu và đa dạng sinh học

Posted on December, 12 2023

Một sự kiện bên lề COP28 đã được tổ chức nhằm thảo luận chủ đề làm thế nào để có thể mở rộng quy mô tài chính bền vững vì lợi ích của Con người, Thiên nhiên và Khí hậu.
COP 28, ngày 9 tháng 12 – “Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu nghĩ rằng khủng hoảng môi trường lớn nhất hành tinh hiện nay chỉ là biến đổi khí hậu,” ông Carter Roberts, CEO của WWF-Hoa Kỳ chia sẻ với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam trong một sự kiện bên lề COP28. Sự kiện tập trung vào chủ đề làm thế nào để có thể mở rộng quy mô tài chính bền vững vì lợi ích của Con người, Thiên nhiên và Khí hậu.
 
Sự kiện được tổ chức bởi WWF-Hoa Kỳ nhằm nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc huy động nguồn tài chính bền vững vì thiên nhiên và khí hậu, thông qua các chương trình hợp tác với các chính phủ đối tác, tổ chức phi chính phủ, tổ chức đa phương và khu vực tư nhân. Các cuộc thảo luận đặc biệt tập trung vào cách thức huy động nguồntài chính công-tư quy mô lớn cho bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các Giải pháp dựa vào Thiên nhiên để ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tạo ra lợi ích kinh tế bền vững cho người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
 
“Chúng tôi có mặt tại đây vì chúng tôi quan ngại, chúng tôi cam kết và chúng tôi sẵn sàng Hành động. Lý do thì có rất nhiều. Chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng thời tiết cực đoan: các đám cháy lớn, mưa bão nghiêm trọng, lũ lụt và hạn hán. Và đây là vấn đề An ninh Quốc gia của chúng ta,” ông Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, phát biểu. “Tôi tự hào về những nỗ lực mà Hoa Kỳ đã đạt được. Ví dụ như Đạo luật Giảm Lạm phát đã được thông qua và đang tạo ra sự khác biệt lớn cho các khoản đầu tư vào các giải pháp ứng phó khí hậu, hay như Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (Millennium Challenge Corporation) với ngân sách hơn 8,5 tỷ USD.”
 
“Hoa Kỳ giữ vai trò chủ chốt trong vấn đề này. Chúng tôi cần phải đóng góp nhiều hơn nữa. Các thảo luận tại COP 28 chothấy chúng ta vẫn còn cách xa mục tiêu 1,5℃. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Tất cả chúng ta,” ông Cardin nhấn mạnh.
 
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán phụ trách Nông nghiệp, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC, đánh giá cao những nỗ lực của WWF tại Việt Nam và cho biết nhiều mô hình thành công do WWF thực hiện được mong đợi sẽ mở rộng quy mô và nhân rộng trong thời gian tới.
 
“Những nỗ lực của WWF tập trung vào bảo tồn sinh cảnh Trung Trường Sơn – nơi có độ đa dạng sinh học giàu có và độc đáo. Tại đây, WWF đã có một cách tiếp cận chiến lược và toàn diện để nâng cao quản lý các khu bảo tồn, bảo tồn động vật hoang dã và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Có thể kể một số thành tựu của dự án như: gỡ bỏ 20.000 bẫy chỉ trong một năm, tăng thu nhập cho 1.000 người thông qua các sáng kiến về sinh kế. Mục tiêu lớn nhất của dự án là cải thiện công tác quản lý cho 600.000ha rừng tự nhiên, và đến nay, dự án đã thành công với 550.000ha rừng”, ông Huy chia sẻ
 
“Một dự án lớn khác do USAID hỗ trợ - Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp - tập trung vào hiện trạng mất đa dạng sinh học và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Dự án huy động sự tham gia của chính phủ, khu vực tư nhân và Xã hội Dân sự nhằm ngăn chặn buôn bán trái phép các loài hoang dã và giảm nhu cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã; nâng cao nhận thức cộng đồng về các rủi ro về môi trường và sức khoẻ từ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Đây là một trong những nỗ lực giúp Việt Nam đạt được các cam kết về Đa dạng Sinh học Toàn cầu, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, và sau cùng là mở đường cho một tương lai thịnh vượng và vững mạnh hơn.”
 
Ông Huy cũng nhấn mạnh trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã cùng tuyên bố nâng cấp mối quan hệ song phương giữa hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Trong thỏa thuận chung, hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác nhằm thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, cắt giảm lượng khí thải và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
 
Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh năm 2022 của WWF, 70% quần thể các loài động vật trên thế giới đã biến mất chỉ trong vòng 50 năm qua. Và loài người đang tiến gần tới điểm tới hạn trên mọi mặt.
 
“Thách thức từ biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cách chúng ta giải quyết các cuộc khủng hoảng này cuối cùng sẽ quyết định số phận của ngôi nhà chung Trái đất. Chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến này, nhưng vai trò của các tổ chức Xã hội Dân sự và cộng đồng cũng không kém phần quan trọng,” ông Carter nói.
Ông Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ
© WWF
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán phụ trách Nông nghiệp, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC
© WWF