Mô hình chè Shan Tuyết theo tiêu chuẩn PGS, góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn nước.

Posted on November, 23 2023

Ngày 09/11/2023, Tổ chức WWF – Việt Nam và đối tác là Vườn Quốc gia Xuân Sơn tổ chức hội thảo về triển khai mô hình chè Shan Tuyết hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức tại Hội trường VQG Xuân Sơn với sự tham gia của gần 60 đại biểu đại diện đến từ Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Công ty TNHH Hiệp Thành, Công ty Chứng nhận Mekong Cert, Trung tâm Khuyến nông huyện, UBND xã Thạnh Tân, HTX Chè Long Cốc, BQL VQG Xuân Sơn, WWF-Việt Nam và 40 hộ trồng chè Shan tuyết tại 04 thôn xã Xuân Sơn. Tại hội thảo, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam , các doanh nghiệp kinh doanh chè, tổ nhóm sản xuất chè đã được giới thiệu và kết nối chuỗi sản xuất chè Shan Tuyết hữu cơ theo tiêu chuẩn Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). 
 
Ông Đặng Thế Nhân - Quản lý dự án – Tổ chức WWF-Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của mô hình trong việc tạo thu nhập bền vững cho người dân sinh sống trong và xung quanh VQG Xuân Sơn và cho VQG Xuân Sơn. Đây cũng là một trong những giải pháp thuận thiên góp phần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện hệ sinh thái rừng, phục hồi và bảo vệ nguồn nước ngọt đầu nguồn.
 
Các bài học kinh nghiệm triển khai ở các địa phương khác của Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) cũng được TS. Trần Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Viện Quản lý đất đai và PTNT, Đại học Lâm Nghiệp chia sẻ PGS là mô hình có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế để tận dụng những lợi thế có sẳn tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồng thời tăng cường sự tham gia của người của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ trong sản xuất và giám sát chất lượng chè Shan Tuyết hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam. Việc giám sát chất lượng PGS có sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp thu mua tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và các cơ quan chuyên môn ngay từ bước xây dựng tổ chức đầu tiên là cơ chế phát triển bền vững và mở rộng thị trường sau này.

Tại hội thảo, bà Đặng Thị Bích Hường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự tích cực tham gia của các bên trong việc đóng góp cho nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Thay mặt Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, bà sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng người dân tại VQG Xuân Sơn phát triển sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp khác theo tiêu chuẩn PGS sau này.

Ông Thân Dỹ Ngữ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành - một trong những doanh nghiệp kinh doanh chè Shan tuyết hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc - chia sẻ rằng cộng đồng các thôn và VQG Xuân Sơn đang có một nguồn chè hữu cơ rất quý, cần cố gắng bảo vệ và phát triển. Hiện nay chè hữu cơ nằm trong phân khúc thị trường chè đặc biệt với sản lượng có chứng nhận hữu cơ trên thế giới chỉ dưới 2% và là phân khúc thị trường tăng trưởng nhanh nhất những năm gần đây (từ 10- 15%/năm) do nhu cầu sử dụng thực phẩm tự nhiên ngày càng lớn. VQG Xuân Sơn cùng bà con địa phương nên tận dụng cơ hội này để phát triển chè hữu cơ Shan tuyết và sản xuất nhiều sản phẩm hữu cơ khác đạt tiêu chuẩn PGS Việt Nam. Do sản lượng của VQG Xuân Sơn tương đối ít (khoảng 1 tấn chè tươi/tháng) nên chỉ có thể đáp ứng thị trường trong nước, thậm chí trong tỉnh. Để tăng giá trị cho chè Shan tuyết, VQG và cộng đồng địa phương cần đẩy mạnh chế biến chè và xây dựng thương hiệu, không nên sản xuất và bán nguyện liệu cho các nhà phân phối, kinh doanh và chế biến. Công ty Hiệp Thành và Liên minh Trà đặc sản hữu cơ Việt Nam (VOSTEA) sẳn sàng hỗ trợ quảng bá sản phẩm và thương hiệu cho chè Shan tuyết VQG Xuân Sơn ở trong và ngoài nước.
 
Hội thảo này là hoạt động quan trọng đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của mô hình chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam tại VQG Xuân Sơn. Một Ban điều phối PGS lâm thời tại VQG Xuân Sơn đã được thống nhất và ra mắt tại hội thảo với 13 thành viên gồm đại diện 04 tổ sản xuất chè ở xã Xuân Sơn, Hội nông dân xã, VQG Xuân Sơn, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn, HTX chè Long Cốc, HTX nông nghiệp Hữu cơ Xuân Sơn, Công ty Chứng nhận Mekong Cert, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Viện Quản lý đất đai và PTNT - Đại học Lâm Nghiệp) và WWF-Việt Nam. Sau hội thảo, Ban Điều phối tại địa phương sẽ được thành lập chính thức và sẽ tổ chức tập huấn về công tác thanh tra, giám sát nhằm đảo bảo chất lượng mô hình tại địa phương theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Các hộ gia đình trồng chè Shan tuyết và VQG Xuân Sơn cũng sẽ được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm trước và sau thu hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tốt và bền vững. Nhóm nòng cốt của các tổ sản xuất và VQG Xuân Sơn cũng sẽ được dự án hỗ trợ tập huấn về tiếp thị, xây dựng bộ nhận diện sản phẩm (logo, tem nhãn, bao bì đóng gói) và máy móc sử dụng trong chế biến chè.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Phục hồi và quản lý nguồn nước cho lưu vực sông Hồng và sông Tiền tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn và Khu bảo tồn & Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười” do Công ty HEINEKEN Việt Nam tài trợ và thực hiện theo chương trình hợp tác giữa WWF-Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD). Dự án được triển khai trong vòng 04 năm từ năm 2022 đến năm 2025 nhằm cải thiện các hệ sinh thái quan trọng để duy trì và nâng cao các dịch vụ điều tiết và cung cấp nước cho cộng đồng và các hoạt động sản xuất ở lưu vực sông Hồng và sông Tiền.

Trước đó, vào buổi sáng đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh chè hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ đã chuyến thăm thực địa tại khu vực trồng chè của VQG Xuân Sơn để quan sát thực tế và tìm hiểu về vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết.
Đại diện từ doanh nghiệp, hiệp hội và các hộ trồng chè tại 4 xã Xuân Sơn tham gia hội thảo về triển khai mô hình chè Shan Tuyết hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam.
© VQG Xuân Sơn